Thời tiết giao mùa từ thu sang đông - xuân, cộng với sự thay đổi bất thường của khí hậu là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các bệnh thường gặp là: cảm cúm, viêm họng, đau khớp, tim mạch, viêm màng não, viêm phổi…đặc biệt hay gặp ở người già và trẻ em, do sức đề kháng kém.
1. Bệnh cảm cúm Là bệnh lý hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra, bệnh rất dễ lây lan. Những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh thường là ngứa họng, sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn. Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém và người già, người bị tiểu đường, thận. Khi bị cúm cần: - Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý; - Cần luôn giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi; nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; - Tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể; đặc biệt là vitamin C, để tăng sức đề kháng; - Ăn các thức ăn các thực phẩm giàu protein như trứng gà, các chế phẩm từ đậu. - Khi trẻ bị bệnh cơ thể mất rất nhiều nước vì vậy cần được bổ sung lượng nước thay thế. Ngoài nước uống có thể cho trẻ uống thêm các loại nước sinh tố, sữa tươi để tăng sức đề kháng và dinh dưỡng. - Với bé trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần.
2. Bệnh viêm họng Viêm họng là căn bệnh phổ biến vào mùa đông và hầu hết bị gây ra do nhiễm virus; sự thay đổi nhiệt độ cũng có thể gây ra viêm họng. Khi bị viêm họng, nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối ấm; không nên ăn đồ lạnh. Chú ý giữ ấm cho cơ thể; tăng cường dinh dưỡng và vitamin.
3. Bệnh viêm phổi Viêm phổi có thể xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhất vào mùa đông xuân do thời tiết lạnh, sức đề kháng của con người bị giảm sút cùng với các loại virut cúm có cơ hội phát triển gây bệnh cho con người. Để phòng ngừa viêm phổi, mùa đông mọi người cần giữ ấm cơ thể (mặc ấm, quàng khăn, đi tất, găng tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời mưa lạnh). Ăn uống đầy đủ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống rét và chống lại bệnh tật. Không nên thức quá khuya vì thức khuya dễ bị cảm lạnh và sổ mũi sẽ khởi phát bệnh đường hô hấp, nhất là những người có bệnh phổi mạn tính càng cần chú ý.
4. Viêm màng não Bệnh do virus, vi khuẩn hay một loại nấm siêu vi gây ra; chủ yếu là trẻ em. Trẻ mắc bệnh thường: Thân nhiệt cao, buồn ngủ, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, nổi những vết phát ban màu tím hoặc màu đỏ trên da, đau hoặc cứng cổ, khóc liên tục dai dẳng. Bệnh thường có biến chứng nguy hiểm nên khi phát hiện nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để điều trị.
5. Bệnh đau khớp Bệnh viêm khớp có nguyên nhân là do các đầu mối xương khớp bị tổn thương dẫn đến các cơn đau nhức hành hạ người bệnh. Viêm khớp có nhiều dạng bệnh khác nhau nhưng đều có điểm chung chính là hay bị tái lại và đau nhức khi thời tiết trở lạnh, nhất là đối với người già. Vì thế, người bệnh khớp cần có sự chuẩn bị cho mình khi mùa đông đến. Ra ngoài cần phải mặc đủ quần áo ấm để giữ nhiệt, nhất là bàn chân và bàn tay. Cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, đảm bảo cơ thể đầy đủ sức khỏe để đối phó với sự thay đổi của thời tiết, nhất là thời tiết lạnh cũng là một cách để bảo vệ bệnh viêm khớp không bị tái phát vào mùa lạnh. Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe và các khớp.
6. Bệnh tim mạch Bệnh tim mạch là 1 bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người; nó có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi; đặc biệt là người cao tuổi và vào thời tiết lạnh. Đó có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và áp lực lên tim. Tim phải làm việc vất vả hơn đến giữ ấm cho cơ thể. Thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch. Để phòng tránh bệnh cần giũ đủ ấm khi đi ra ngoài, đội mũ hoặc quàng khăn để khỏi mất nhiệt qua đầu, mang găng và đi ủng để giữ ấm chân tay.
Lan Hương