Tương truyền, ngày xưa, do thiên tai, nhân dân trong vùng đói kém, người chết đầy đường, bệnh dịch tràn lan, làng Phùng Khoang được vua cho nấu cháo, cơm nắm để phát cho dân chúng. Một cậu bé khi nhận được một nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác cùng ăn. 5 người kết nghĩa anh em, sau này lớn lên, 5 người lập nghiệp ở vùng này, tạo dựng thành những làng trù phú, chính là 5 làng Mọc sau này.
Lễ hội năm làng Mọc được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân và Phùng Khoang, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. Mỗi làng thờ một vị thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân.
Lễ hội năm làng Mọc là lễ hội vùng dọc sông Tô Lịch, được tổ chức tại bốn đình thuộc hai quận, gồm: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị tiền bối có công với làng, với dân tộc. Lễ hội năm làng Mọc là một hội lớn, thời xưa vào những năm phong đăng hỏa cốc dân làng mới đủ điều kiện tổ chức. Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức hội một lần diễn ra vào ngày 11, 12 tháng Hai, luân phiên từng làng làm cai. Những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức hội làng theo tập tục.
Để tổ chức lễ hội, trước Tết Nguyên đán, cộng đồng và chính quyền địa phương đã họp bàn để chuẩn bị. Cộng đồng lựa chọn các cá nhân thực hiện vai trò chính trong lễ hội như: Bầu hậu (điều hành lễ hội, là người cao tuổi, am hiểu nghi lễ của làng, được dân tín nhiệm), ông Khởi chỉ (người phục vụ lễ hội; làng Cự Chính do 2 làng nhập lại nên có 2 ông Khởi chỉ; làng Quan nhân có kiệu ông, kiệu bà nên có ông Khởi chỉ và bà Khởi chỉ), ông bà Tổng cờ, đội tế, đội múa bài bông, đội rước kiệu…, là những người khỏe mạnh, gia đình không vướng tang để tập luyện thuần thục trước khi vào lễ. Lễ vật dâng Thánh có mâm lễ chung của làng do cụ Từ chuẩn bị, mâm lễ riêng của các xóm, các cụ cao tuổi, các dòng họ, gia đình. Mỗi làng chuẩn bị một kiệu lễ với xôi, thủ lợn, oản, quả để mang đến làng đăng cai. Việc tổ chức thực hành các nghi lễ trong Lễ hội Năm làng Mọc về cơ bản vẫn thực hành theo truyền thống.
Ngày 8, các cụ làm lễ trình tại đình, Ban khánh tiết và Ban nghi lễ bày voi, ngựa, nghi trượng, đưa kiệu và lọng ra sân đình; trang trí, cắm cờ ngũ sắc dọc đường làng. Buổi chiều quân kiệu tập duyệt rước kiệu quanh đình, tập dâng lên, hạ xuống cho đều.
Sáng ngày 9, các ông bà Chủ tế, Khởi chỉ, Tổng cờ cùng các giai nam, giai nữ ra đình làm lễ trình Thánh. Buổi chiều, Ban Tổ chức tiến hành tổng duyệt các nghi thức rước kiệu để chuẩn bị cho đoàn rước ngày 12.
Ngày 10, các dòng họ dâng lễ cúng Thánh. Buổi chiều, đội dâng hương làm lễ Tiên thường. Trong thời gian này, Ban khánh tiết sẽ tiến hành kiểm tra lần cuối chuẩn bị cho nghi thức rước diễn ra vào ngày hôm sau. Tùy thuộc vào làng nào đăng cai mà lễ rước năm làng sẽ được tiến hành vào ngày 11 (Quan Nhân, Phùng Khoang) hay ngày 12 (Giáp Nhất, Cự Chính).
Kỳ hội tổ chức rước vào ngày 12 thì ngày 11 các làng sẽ tổ chức lễ tế cáo và chuẩn bị cho đoàn rước kiệu vào ngày 12. Riêng ở làng Quan Nhân, dân làng có lễ rước nước. Đoàn rước khởi kiệu từ đình Trong, theo thứ tự: kiệu long đình rước bát hương, kiệu bát cống rước Đức Thánh Ông, kiệu nước và cuối cùng là kiệu Đức Thánh Bà. Đoàn rước ra giếng ở gần đình Hội Xuân, rước nước lên “Nhà mộc dục” (nằm ở giữa hai đình), tiến hành bao sái cho Đức Thánh Ông và Đức Thánh Bà trước khi rước. Sau đó, rước nhị vị đi quanh làng rồi về đình trong dự hội.
Vào ngày rước, buổi sáng, sau ba hồi trống lệnh, phường đồng văn nổi nhạc thì các bộ phận của đoàn rước lần lượt đứng vào vị trí. Sau hồi chiêng trống, cuộc rước chính thức bắt đầu, các chân kiệu bắt đầu rước long kiệu từ trong đình ra. Đi đầu là năm lá cờ ngũ hành; đội múa cờ; đội trống; đội múa sư tử; ngựa hồng, ngựa bạch; đội múa bồng; hương án; đoàn phật tử; đội bát bửu; đoàn chấp kích; phường đồng văn; đội múa sinh tiền; đội trống bản; kiệu long đình; đội lộ bộ; phường bát âm; đội kiệu Thánh; đội múa lân và múa rồng,… cùng dân làng.
Đoàn rước của các làng về cơ bản giống nhau, riêng đoàn rước của làng Quan Nhân có hai kiệu long đình, hai kiệu bát cống do đình Quan Nhân thờ hai vị Thành hoàng: Đức thánh Ông và Đức thánh Bà. Trước đây, kiệu Đức Thánh Bà chỉ trực tại đình Hội Xuân đợi kiệu của các làng anh em đến chào rồi quay về. Có một vài lần kiệu bà lại bay quá xa, cùng với kiệu Đức Thánh Ông sang chào kiệu Đức Thánh làng anh cả Giáp Nhất và đức Thánh làng anh hai Cự Chính, rồi mới quay về, nên sau này dân làng rước luôn 2 kiệu cùng đi hội.
Đoàn rước của làng đăng cai sẽ thống nhất với các làng anh em địa điểm đón đoàn rước: Giáp Nhất sẽ đón tại ao Nghè, Cự Chính sẽ đón tại cầu Cống Lim, Quan Nhân sẽ đón tại đình Hội Xuân, Phùng Khoang sẽ đón tại cổng chào của làng. Sau khi tề tựu đông đủ, các đoàn rước sẽ nhập thành một đoàn theo thứ tự: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân, Phùng Khoang rồi tiến về trung tâm lễ hội. Trên đường đoàn rước đi qua, nhân dân hai bên đều bày hương án, lễ vật đón rước Thánh và cầu mong phước lành đến với gia đình.
Về đến đình làng đăng cai, Ban điều hành của làng cử người hướng dẫn các làng anh em bầy nghi trượng vào vị trí quy định, nghỉ ngơi trầu nước để chuẩn bị tế lễ.
Khoảng 10 giờ sáng, các làng sẽ tiến hành tế hội đồng, do đội tế của năm làng thực hiện. Sau ba hồi ba tiếng trống báo hiệu, cuộc tế chính thức bắt đầu. Nghi thức tế hội đồng được thực hiện tại nhà tám mái dựng tại sân đình, với 3 tuần tế trong tiếng nhạc của dàn bát âm và tiếng chiêng, trống: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ.
Sau khi hoàn tất nghi thức tế hội đồng, các đội, các ban, các cụ thọ cùng các quan viên chỉnh trang lễ phục lần lượt theo lứa tuổi vào lễ tạ. Tiếp đến là dân làng và khách thập phương vào dâng lễ cầu Thánh.
Tế thánh xong, các cụ và dân làng cùng thụ lộc. Đình đăng cai sẽ mời khách ba làng anh em nghỉ ngơi và dự bữa cỗ chung với làng. Các cụ Thập, Cửu, Bát, Thất theo thứ tự sẽ ngồi thụ lộc trong nội đình, còn dân làng và khách thập phương sẽ thụ lộc tại sân đình.
Buổi chiều, 5 làng làm lễ tạ Thánh, các ngai Thánh cùng thần vị được cụ Từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về làng của mình. Đoàn rước vẫn theo thứ tự: Giáp Nhất, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân và Phùng Khoang. Qua cổng làng, kiệu Thánh làng đăng cai sẽ chào kiệu Thánh các làng anh em. Các làng anh em lần lượt chào chủ đám và rước Thánh làng mình hồi cung.
Tại các làng, sau khi rước Thánh hồi cung, dân làng làm lễ dâng hương, sau đó rước thần vị cùng với mũ áo của nhà ngài vào trả lại ở vị trí cũ. Riêng làng Quan Nhân, sau khi kiệu về đình, rước kiệu Đức Thánh Bà lên ngự cùng Đức Thánh Ông ba ngày ở hậu cung, sau đó mới về phủ. Lễ này gọi là “mật rước”, vì dân làng không được biết, chỉ có Cụ Từ và một số người cao tuổi biết.
Ngày 13, các làng làm lễ tạ và lễ yên vị đức Thánh.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức xung quanh đình thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia như: Đánh cờ, đá cầu, chọi gà, tổ tôm, bắt vịt,...
Lễ hội năm làng Mọc mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân Kẻ Mọc, các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân, Phùng Khoang. Lễ hội phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh” của người dân và cộng đồng. Người dân tổ chức lễ hội thể hiện sự cố kết cộng đồng, là dịp để toàn cộng đồng được hóa thân, nhập cuộc vào việc làng, thể hiện vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng làng xã. Tham gia lễ hội giúp người dân gắn kết với nhau để hình thành, củng cố một cộng đồng thống nhất cùng xây dựng cuộc sống, duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương. Các trò diễn trong lễ hội như con đĩ đánh bồng mang tính chất phồn thực, cầu mong cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ hội năm làng Mọc đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân làng và cả nhân dân khu vực lân cận, tăng cường mối liên kết giữa các cộng đồng người. Lễ hội là môi trường lưu giữ và trao truyền các nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò diễn dân gian, các giá trị lịch sử, văn hóa... đến các thế hệ kế tiếp.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội năm làng Mọc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021./.