Chảy máu mũi (hay còn gọi là chảy máu cam), là tình trạng xuất huyết ở đường mũi. Đây là dạng bệnh phổ biến và thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xuất hiện nhiều ở trẻ em.
Đa số bệnh nhẹ và khỏi tự nhiên nhưng khi bị tình trạng trên dễ làm bệnh nhân và người nhà hốt hoảng, lo lắng.
Nguyên nhân chảy máu mũi
Về nguyên nhân, người ta thấy rằng, chảy máu mũi liên quan nhiều đến các bệnh viêm niêm mạc mũi từ nhiễm trùng đường hô hấp cấp, viêm xoang mãn tính, không khí lạnh khô đến viêm mũi dị ứng thông thường hoặc do dị dạng các mạch máu ở mũi hay do dị vật ở mũi.
Có thể thấy một số nguyên nhân như sau:
- Viêm mũi: tình trạng viêm mũi làm cho lớp chất nhày bảo vệ bề mặt niêm mạc mũi bị thương tổn, vì thế các mạch máu nằm ngay dưới đó cũng hay bị xước, rách gây chảy máu mũi.
- Dị vật trong mũi: do trẻ tò mò, hiếu kỳ nhét các vật nhỏ như các loại hạt vào trong hốc mũi gây viêm loét và chảy máu mũi.
- Ngoáy mũi: viêm mũi gây kích thích tạo ra dịch rỉ viêm và tạo thành những chất dính gọi là dỉ mũi, bám chặt lên lớp niêm mạc mũi. Do khó chịu, trẻ hay cho tay vào mũi ngoáy, gây chảy máu mũi.
- Chấn thương mũi: do mũi bị va chạm làm rách hệ thống niêm mạc mũi gây chảy máu.
- Dị hình hốc mũi: đây cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dẫn đến chảy máu mũi.
- Bệnh u xơ vòm mũi họng chỉ xảy ra ở trẻ em, thường gặp ở trẻ 6-15 tuổi, phần lớn là bé trai. Triệu chứng ban đầu là chảy máu cam, tái phát nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng nhiều.
- Chảy máu mũi còn gặp trong một số bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, suy tim, bệnh giảm tiểu cầu, dị ứng toàn thân, nghiện rượu, bệnh máu ác tính, do sử dụng một số loại thuốc.
Xử trí khi trẻ bị chảy máu mũi
Khi trẻ bị chảy máu mũi, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và xử trí như sau:
- Để trẻ ngồi thẳng và cúi đầu về phía trước (ngồi thẳng giúp làm giảm áp lực các mạch máu ở mũi, có tác dụng hạn chế chảy máu. Cúi đầu giúp máu chảy ra ngoài, tránh hít phải hoặc nuốt máu). Tiếp đến, dùng hai đầu ngón trỏ và ngón cái kẹp cả hai lỗ mũi trẻ, hướng dẫn trẻ thở bằng miệng. Nên kẹp mũi trong 5-10 phút sẽ hạn chế hoặc làm ngừng chảy máu. Tránh để cho bé ngửa đầu ra đằng sau trong lúc đang chảy máu cam. Làm như vậy sẽ khiến cho máu chảy xuống phía sau hốc mũi vào bao tử có thể gây khó chịu và ói mửa.
- Động viên và an ủi trẻ để trẻ không bị hoảng sợ khi nhìn thấy máu. Không cho trẻ nuốt máu và ngoáy mũi lại khi đã cầm máu.
- Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi gặp một trong những tình huống sau:
+ Máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã làm các bước trên.
+ Trẻ bị chảy máu mũi nhiều lần trong thời gian ngắn.
+ Bị hoa mắt, choáng váng.
+ Tim đập nhanh, khó thở.
+ Trẻ nôn ra máu.
+ Trẻ chảy máu mũi sau tai nạn, sau chấn thương đầu, chấn thương mũi.
Cách phòng bệnh
Nếu bị viêm mũi lâu ngày, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay. Không cho trẻ ngoáy mũi vì bên cạnh việc gây chảy máu mũi, đây cũng là một nguyên nhân làm nhiễm khuẩn mũi.
Tuy nhiên, vì chảy máu mũi còn rất nhiều nguyên nhân khác nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí triệt để chảy máu mũi.
Ngoài ra, 2 lần một tuần phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý (nước muối loãng) rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhầy bảo vệ và dễ bị tổn thương.