Đường lây nhiễm của thủy đậu
Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây nhiễm từ người sang người, do virus Varicella Zoster thuộc họ Herpesviridae gây ra. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị bệnh, chứ không phải trẻ nhỏ như nhiều người lầm tưởng. Bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, biến chứng ở nhiều cơ quan, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Virus Varicella Zoster dễ lây qua đường hô hấp, khi người lành tiếp xúc với các giọt bắn có trong không khí từ miệng hay mũi của người bệnh khi hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo, vải trải giường, các vật dụng bị ô nhiễm bởi chất dịch từ nốt phỏng hoặc từ miệng hay mũi của người bệnh.
Theo nghiên cứu dịch tễ, cứ khoảng 3-5 năm, virus thủy đậu sẽ gây dịch lớn một lần nếu cộng đồng chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Có khoảng 90% người chưa mắc thủy đậu, hoặc chưa tiêm vắc xin nếu tiếp xúc với virus sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao và gặp biến chứng nặng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh mạn tính…
Nhiều người nghĩ rằng thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên chủ quan. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, mẹ bầu, người có bệnh mạn tính…, nếu mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm gan, rối loạn tâm thần thậm chí tử vong. Các biến chứng muộn gồm hội chứng Guillain-Barre, bệnh zona thần kinh với biến chứng đau dây thần kinh.
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy giảm, nếu người mẹ mắc thủy đậu, virus có thể gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Khoảng 20% mẹ bầu bị viêm phổi, 40% trường hợp sẽ tử vong. Thai nhi có thể sảy thai, hoặc gặp dị tật bẩm sinh như: bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân…
Cách phòng tránh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có tính lây lan rất nhanh, nếu một người được chẩn đoán nhiễm thủy đậu thì các thành viên trong gia đình có nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu chưa từng nhiễm bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin. Hiện chưa có thuốc đặc trị thủy đậu, để phòng bệnh, mọi người nên trang bị chủ động các kiến thức phòng bệnh. Trẻ em và người lớn cần thực hiện đúng và đủ 4 cách phòng tránh thủy đậu được các chuyên gia y tế khuyến cáo dưới đây:
1. Tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa thủy đậu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, đối với bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Số liệu chứng minh độ hiệu quả của vắc xin thủy đậu
Các chuyên gia y tế cho biết, có đến 98% những người được chủng ngừa thủy đậu sẽ tránh nguy cơ mắc bệnh này. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin thủy đậu sẽ có hiệu quả bảo vệ từ 88-98% ngăn ngừa tất cả bệnh thủy đậu, hiệu quả ngăn ngừa 100% nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nặng. Đặc biệt, vắc xin duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài trong nhiều năm. [1]
CDC Mỹ cho biết, bệnh thủy đậu từng rất phổ biến, gây nên nhiều trường hợp biến chứng và tử vong. Minh chứng từ những năm 1990, mỗi năm nước này có hơn 4 triệu ca mắc, 10.500 – 13.000 người phải nhập viện và 100-150 người chết do thủy đậu. Năm 1995, vắc xin thủy đậu bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở quốc gia này. Trong 25 năm đầu tiên của chương trình tiêm chủng, vắc xin thủy đậu đã chặn khoảng 91 triệu ca bệnh, 238.000 ca nhập viện, 2.000 ca tử vong do thủy đậu.
- Liều tiêm cho các độ tuổi
Tự hào là hệ thống trung tâm tiêm chủng chất lượng, an toàn, uy tín, VNVC là địa chỉ tiêm chủng vàng của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Hiện tất cả các trung tâm VNVC trên toàn quốc đang có đủ các loại vắc xin phòng thủy đậu an toàn, nhập khẩu chính hãng cho trẻ em và người lớn là Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc).
Lịch tiêm cụ thể của vắc xin thủy đậu cho từng đối tượng như sau:
Tên vắc xin |
Varivax/Varicella |
Varilrix |
Nước sản xuất |
Mỹ/Hàn Quốc |
Bỉ |
Bản chất |
Vắc xin sống, giảm độc lực |
Vắc xin sống, giảm độc lực |
Đối tượng |
Trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn không giới hạn độ tuổi |
Trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn không giới hạn độ tuổi |
Lịch tiêm cơ bản |
• Trẻ từ 12 tháng tuổi – 12 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
• Trẻ từ 13 tuổi và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ cần hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
|
• Trẻ từ 9 tháng tuổi – 12 tuổi: Lịch tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng.
• Trẻ từ 13 tuổi và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ cần hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
|
Tất cả trẻ em và người lớn đều cần được tiêm ngừa thủy đậu đủ lịch, đúng mũi, tuy nhiên vẫn có những trường hợp không được khuyến cáo sử dụng vắc xin. Theo đó, các đối tượng thuộc nhóm chống chỉ định với vắc xin thủy đậu gồm:
-
- Người bị suy giảm miễn dịch tiên phát, người có số lượng tế bào lympho ít hơn 1.200/mm3;
- Người bị thiếu hụt miễn dịch tế bào;
- Người đang điều trị ức chế miễn dịch;
- Người quá mẫn cảm với kháng sinh neomycin hoặc các thành phần có trong vắc xin thủy đậu;
- Người bị biểu hiện phản ứng quá mẫn sau mũi tiêm vắc xin thủy đậu trước đó.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin, phụ nữ cần hoàn thành phác đồ 2 mũi vắc xin trước khi có kế hoạch mang thai 3 tháng.
2. Không tiếp xúc với người bị hoặc nghi ngờ bị thủy đậu
Virus thủy đậu dễ lây nhiễm qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành, đặc biệt ở những nơi công cộng, không gian kín như trường học, khu vui chơi, văn phòng… Do đó, để phòng tránh bệnh thủy đậu, người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan virus. Khi ở nhà, người bệnh cần cách ly với các thành viên trong gia đình, đặc biệt các đối tượng nguy cơ như trẻ nhỏ, thai phụ, người lớn tuổi…
Người lành cần chủ động tránh tiếp xúc và không dùng chung các vật dụng với người nghi nhiễm bệnh. Trong trường hợp phải tiếp xúc, người lành cần thực hiện đeo khẩu trang, che chắn kĩ để ngăn virus lây nhiễm.
⇒ Bạn nên xem thêm: Thủy đậu lây qua đường nào? Lỡ tiếp xúc với người bệnh thì phải làm gì?
3. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống thường xuyên
Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc virus, vi khuẩn truyền nhiễm, ví dụ như virus gây bệnh thủy đậu là thực hiện vệ sinh đúng cách. Trong đó, phương pháp phòng thủy đậu cũng như các bệnh truyền nhiễm khác hiệu quả nhất là rửa tay. Bạn không nên rửa tay qua loa mà hãy rửa kỹ các kẽ ngón tay và bàn tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây, rửa với nước ấm thì càng tốt.
Nên chú ý rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ có chứa mầm bệnh; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt vệ sinh riêng; làm sạch và khử trùng môi trường sống và các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…
4. Hạn chế đi đến các vùng đang có dịch
Bệnh thủy đậu dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp, đặc biệt ở những không gian kín, nơi đông người, địa điểm công cộng… Để phòng bệnh, trước khi đến mỗi địa phương, vùng, miền, bạn cần tìm hiểu xem địa phương bạn sắp đến đang có nhiều trường hợp mắc thủy đậu không và cần chủ động trang bị các biện pháp phòng bệnh.
Khẩu trang được chứng minh làm giảm lây nhiễm virus, vi khuẩn, đặc biệt là các mầm bệnh lây qua đường hô hấp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và địa điểm, bạn có thể sử dụng các loại khẩu trang y tế như loại khẩu trang vải, khẩu trang N95, KN95, KF94… khi đến nơi công cộng, đông người, khu vui chơi.
Hướng dẫn phòng ngừa thủy đậu cho người chăm sóc bệnh
Theo CDC Mỹ, dựa trên các nghiên cứu về sự lây truyền giữa các thành viên trong gia đình, khoảng 90% những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh sẽ mắc thủy đậu. Người lành cũng có nguy cơ mắc zona khi tiếp xúc với nốt mụn nước của người bệnh zona thần kinh. Một nghiên cứu tại hộ gia đình cho thấy nguy cơ lây truyền Varicella Zoster từ bệnh zona là khoảng 20% so với nguy cơ lây truyền virus từ bệnh thủy đậu. [2]
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh thủy đậu ít lây hơn sởi nhưng dễ lây hơn quai bị và rubella. Do đó, những người tiếp xúc gần, người chăm sóc người bệnh là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Vì vậy, để phòng tránh bệnh, tiêm vắc xin thủy đậu đúng lịch, đủ mũi là biện pháp hiệu quả nhất để chặn đứng nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng thủy đậu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, người chăm sóc cũng cần lưu ý những những biện pháp dưới đây để phòng tránh bệnh lây lan:
1. Nên cách ly người bệnh
Cách ly trẻ mắc thủy đậu ở nhà, không đến trường trong vòng 7-10 ngày ở không gian thoáng. Người lớn mắc bệnh thủy đậu không được đi làm, không đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người lành khác, đặc biệt người có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính… vì đây là những đối tượng dễ bị biến chứng nặng do thủy đậu.
2. Hạn chế tối đa thời gian ở trong phòng cách ly
Người chăm sóc cần hạn chế tối đa thời gian ở trong phòng cách ly của người bệnh vì có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Virus có thể sống ở môi trường bên ngoài và lây truyền qua những giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ miệng hay mũi của người bị nhiễm.
3. Sử dụng bảo hộ y tế khi tiếp xúc với người bệnh
Để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, người chăm sóc cần lưu ý sử dụng các đồ bảo hộ như đeo khẩu trang, găng tay, kính, mũ bảo hộ, không để bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có khoảng trống khi tiếp xúc trực tiếp với nốt thủy đậu, không tiếp xúc nếu không thật sự cần thiết để bảo vệ bản thân và hạn chế phát tán mầm bệnh. Sau khi sử dụng, cần bỏ các vật dụng bảo hộ vào thùng rác đúng quy định.
4. Không dùng chung và vệ sinh các vật dụng của người bệnh
Người lành có thể bị lây khi tiếp xúc với các nốt ban thủy đậu hoặc quần áo, chăn ra trải giường và các vật dụng có dính dịch tiết của người bệnh. Virus thủy đậu dễ bị tiêu diệt bởi các dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn. Do đó, các đồ dùng cá nhân, quần áo, khăn mặt, chăn của người bệnh cần được giặt thật kỹ, giặt riêng để ngăn lây nhiễm. Đồng thời, áo quần phải được phơi nắng, ủi là kỹ trước khi sử dụng, không để chung với đồ dùng của người khác để tránh lây bệnh.
5. Dùng các biện pháp hạn chế gãi cho người bệnh
Triệu chứng đặc trưng của bệnh thủy đậu là xuất hiện các nốt mụn nước, khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy và mong muốn được cào, gãi. Tuy nhiên, việc gãi ngứa các nốt mụn nước này có thể gây loét nhiễm trùng, lâu lành, thậm chí để lại sẹo sâu, sẹo thâm sau khi hết bệnh. Để tránh tình trạng viêm nhiễm này, đồng thời làm dịu da khi ngứa, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Vỗ nhẹ lên vùng da bị ngứa, tuyệt đối không dùng tay gãi;
- Cắt móng tay gọn gàng để tránh gãi vỡ nốt thủy đậu gây loét, bội nhiễm;
- Tắm và rửa sạch cơ thể bằng nước mát, yến mạch hoặc các nguyên liệu lành tính có hướng dẫn của bác sĩ. Không đắp các loại thuốc lá, thảo mộc lên vùng da tổn thương;
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu vải mềm mại, có độ thấm hút tốt để hạn chế cọ xát, tiếp xúc với vết thương;
- Thoa kem dưỡng ẩm hoặc các thuốc bôi được bác sĩ chỉ định lên nốt thủy đậu.
Đã từng bị thủy đậu có cần tiêm vắc xin không?
Không cần thiết tiêm thêm vắc xin thủy đậu! Nếu bạn đang và đã bị bệnh, đã được khám xác định thuỷ đậu và điều trị, bạn không cần thực hiện tiêm phòng bệnh thủy đậu nữa vì cơ thể đã có miễn dịch tự nhiên với bệnh này.
Tuy nhiên, nếu bạn từng có những triệu chứng nghi ngờ thủy đậu nhưng chưa được bác sĩ chẩn đoán là thủy đậu thì không xác định được có phải bạn đã mắc thủy đậu hay chưa, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra. Hoặc trong trường hợp bạn có hệ miễn dịch yếu, đã mắc thủy đậu nhiều năm trước, miễn dịch với bệnh thủy đậu có thể bị suy giảm theo thời gian, bạn vẫn cần nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hoặc thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra kháng thể để thực hiện tiêm chủng nếu cần.
Virus varicella zoster gây bệnh thủy đậu cũng là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh. Sau khi bị thủy đậu, virus vẫn còn trong cơ thể nhưng không hoạt động, virus sẽ tái phát thành bệnh zona khi hệ miễn dịch bị suy giảm, cơ thể suy nhược, mắc bệnh mãn tính… gây tình trạng đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống và công việc.
Những người mắc zona có thể lây truyền virus varicella zoster sang những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa bao giờ được tiêm vắc xin thủy đậu. Điều này có thể xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ mụn nước phát ban do bệnh zona hoặc do hít phải các hạt virus thoát ra từ mụn nước. Nếu bị nhiễm bệnh, họ sẽ mắc bệnh thủy đậu chứ không phải bệnh zona.
Các bác sĩ khuyến nghị, những người đã từng mắc thủy đậu cần tiêm vắc xin zona thần kinh. Lý do là vắc xin giúp ngăn ngừa đến 90% nguy cơ mắc và biến chứng của bệnh zona, tiếp tục ngăn bệnh tái phát sau khi đã mắc. Hiện vắc xin được sử dụng cho người từ 50 tuổi và chỉ định đối với người chưa mắc bệnh hoặc đã phát bệnh zona thần kinh.
Trên đây là những cách phòng tránh thủy đậu hiệu quả được các chuyên gia khuyên thực hiện, trong đó việc chủ động tiêm vắc xin là biện pháp đơn giản, an toàn, dễ thực hiện với hiệu quả bảo vệ lên đến 98%, chặn đứng nguy cơ nhiễm virus, mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong tương lai.