Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, bệnh do virus Dengue gây ra. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, nhất là sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
1. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn được là coi trung gian truyền bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ sẽ diễn ra qua 3 giai đoạn:
1.1 Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này các biểu hiện của sốt xuất huyết thường không đặc hiệu, thường trẻ chỉ có sốt cao, đau mỏi cơ, quấy khóc... Vì vậy, rất khó phân biệt sốt xuất huyết ở giai đoạn này với việc nhiễm các loại virus thông thường khác.
1.2 Giai đoạn 2
Giai đoạn này chính là giai đoạn nguy hiểm, có thể xuất hiện các biến chứng của bệnh và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Ngoài triệu chứng sốt, bệnh còn có triệu chứng xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng có thể xảy ra như chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não. Ở giai đoạn này, trẻ nhỏ cần được điều trị và theo dõi kỹ lưỡng.
1.3 Giai đoạn 3
Sau khi qua được giai đoạn nguy hiểm thì trẻ nhỏ bước vào giai đoạn hồi phục. Trẻ nhỏ sẽ hết sốt, thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, tiểu nhiều hơn và các xét nghiệm máu trở về bình thường.
Bị sốt xuất huyết có được tắm không?
2. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
2.1 Biểu hiện của sốt xuất huyết thể nhẹ
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, kém đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt.
- Đau đầu, đau cơ, đau nhức 2 hốc mắt.
- Da có thể bị phát ban, sung huyết.
2.2 Biểu hiện của sốt xuất huyết thể bệnh nặng
Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thể bệnh nặng thì ngoài các triệu chứng trên thì thường kèm theo các biểu hiện sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (do bị xuất huyết tiêu hóa).
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
2.3 Các dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nhanh chóng
- Chảy máu: Có thể nhẹ như xuất huyết dưới da cho đến nặng nề như xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội tạng.
- Nôn ói liên tục.
- Đau bụng dữ dội, đặc biệt là đau vùng gan.
- Lơ mơ, rối loạn ý thức
- Co giật
- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm
- Suy hô hấp, khó thở.
3. Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Khi phát hiện các dấu hiệu của sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thì bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.
- Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ thì trẻ có thể được cho điều trị ngoại trú, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Với thể bệnh nặng thì trẻ cần được nhập viện để điều trị và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, dự phòng và điều trị các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
- Theo dõi nhiệt độ, các dấu hiệu nguy hiểm khác của bệnh cẩn thận. Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không chơi đùa gắng sức nhiều. Nếu nhiệt độ của trẻ trên 38.5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ kết hợp với lau mát, lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Tuyệt đối không dùng aspirin hoặc ibuprofen. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, tránh ủ trẻ trong chăn quá mức.
- Cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt. Ngoài nước lọc thì có thể cho trẻ uống thêm các loại nước ép để bổ sung chất khoáng, vitamin C như: Nước cam, chanh...
4. Phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Cho đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là loại bỏ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti và điều trị hỗ trợ tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Một số cách phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ có thể áp dụng:
4.1 Đối với môi trường xung quanh
- Vệ sinh các dụng cụ chứa nước đọng trong nhà như lu chứa nước, bình hoa...
- Vật dụng chứa nước sinh hoạt trong nhà nên được đậy kín để muỗi vằn không thể vào đẻ trứng.
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, loại bỏ các vị trí mà muỗi trú ẩn.
- Thả cá vào các dụng cụ đựng nước có dung tích lớn như bể, giếng, chum, vại...để cá tiêu diệt lăng quăng, không phát triển thành muỗi.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên, lật úp các đồ dùng chứa nước nếu chưa dùng đến.
- Sử dụng các loại thảo dược hoặc các loại cây có mùi hương quanh nhà để xua muỗi.
4.2 Đối với trẻ nhỏ
- Cho trẻ mặc quần áo tay dài ngay cả ban ngày để hạn chế việc trẻ bị muỗi đốt và tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, hạn chế mặc quần áo tối màu cho bé.
- Ngủ trong màn, bất kể là ngày hay đêm.
- Sử dụng các sản phẩm chống muỗi như chai xịt phun sương, kem chống muỗi chứa các thành phần an toàn để bảo vệ trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
(Sưu tầm)